DU LỊCH TẬN DỤNG CƠ HỘI BỨT PHÁ TỪ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 Thông tin ngành

DU LỊCH TẬN DỤNG CƠ HỘI BỨT PHÁ TỪ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0


  Trong xu thế cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng Công nghiệp 4.0) đang lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, du lịch đứng trước yêu cầu chủ động nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức, xác định hướng đi và giải pháp phù hợp để phát triển bứt phá.


Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội mới cho du lịch

   Cách mạng Công nghiệp 4.0 tận dụng sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin với sự đột phá của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn, đang tạo ra sự thay đổi to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với du lịch, công nghệ hiện đại giúp cho phương thức xúc tiến quảng bá trở nên đa dạng hơn và làm thay đổi phương thức đi du lịch, trải nghiệm của du khách.

    Với những thành tựu vượt bậc của công nghệ thông tin, du lịch có cơ hội tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường, đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến và thương mại điện tử. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch.

 

 

    Cùng với đó, những công nghệ mới trên nền tảng Internet giúp cho việc trải nghiệm du lịch ngày càng thuận tiện hơn. Du khách có thể dễ dàng tìm hiểu, so sánh, lựa chọn những điểm đến và dịch vụ phù hợp nhất, đặc biệt là có thể khám phá điểm đến bằng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường. Gia tăng tiện ích cho du khách cũng chính là cơ hội kích cầu du lịch hiệu quả.

    Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển, du lịch phải đối mặt với những thách thức mà Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra như vấn đề an toàn và bảo mật thông tin, năng lực cạnh tranh, thiếu hụt nhân lực trình độ cao…

Du lịch thông minh – xu thế phát triển tất yếu


    Những cơ hội mới đặt ngành du lịch thế giới trước yêu cầu chuyển đổi số phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thông minh. Đây là mô hình du lịch dựa trên nền tảng của công nghệ và truyền thông, cùng với sự phát triển đồng bộ của hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, nhằm giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng nhất. Đồng thời, đảm bảo sự tương tác kịp thời, kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách, và giúp cho việc quản lý thuận tiện hơn. Du lịch thông minh trở thành một tiêu chí phát triển, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch.

    Hiện nay, cuộc cạnh tranh du lịch thông minh đang diễn ra nhộn nhịp trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới triển khai du lịch thông minh dưới nhiều hình thức khác nhau tạo nên những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh du lịch. Châu Âu được đánh giá là có lợi thế và dẫn đầu xu hướng phát triển mới. Nhằm xây dựng hệ thống đồng bộ và thúc đẩy du lịch thông minh, tháng 4/2018, ngành du lịch châu Âu đã phát động cuộc thi bình chọn hai “Kinh đô du lịch thông minh của châu Âu 2019” dành cho những thành phố ứng dụng giải pháp thông minh mới, sáng tạo và toàn diện đáp ứng cả bốn yêu cầu căn cơ của du lịch thông minh là dễ tiếp cận, phát triển bền vững, tăng cường số hóa, và bảo vệ di sản văn hóa. Ngày du lịch châu Âu (7/11) năm nay, tại Bruxelles (Bỉ), thành phố Helsinki (thủ đô của Phần Lan) và Lyon (Pháp) đã vinh dự nhận danh hiệu này.

    Một trung tâm du lịch ở Trung Đông, thành phố Dubai lựa chọn công nghệ làm giải pháp để quản lý du lịch, dịch vụ và tài nguyên. Dubai phát triển du lịch thông minh theo hướng tích hợp du lịch với mô hình thành phố thông minh để kết nối du khách với hệ thống tài nguyên của thành phố thông minh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch thông minh với việc công nghệ hóa triệt để các dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, visa, hàng không…

    Ở châu Á, nhiều điểm đến của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh như áp dụng ví điện tử, mã QR (quick response code), dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo…


    Tại Việt Nam, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó nêu ưu tiên phát triển du lịch thông minh là một giải pháp để chủ động nắm bắt cơ hội và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam.

    Nắm bắt xu hướng mới, Tổng cục Du lịch đã xây dựng và trình Chính phủ Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Du lịch Việt Nam. Trong đó, đề án xác định phát triển du lịch thông minh là một nội dung quan trọng cần tập trung trong bối cảnh số hóa hiện đại và đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch thông minh. Đề án đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

    Nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch luôn chú trọng, đầu tư phát triển các ứng dụng công nghệ trong tiếp thị, thương mại điện tử và sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp có ý tưởng và dự án sáng tạo về công nghệ nhằm mang lại lợi ích cho ngành du lịch. Đồng thời, tích cực bảo trợ cho các dự án, chương trình ứng dụng công nghệ vào xúc tiến, quảng bá du lịch. Có thể kể đến một số dự án như triển khai ứng dụng công nghệ ảnh 360 độ trong du lịch, các chương trình quảng bá du lịch quốc gia “Super Selfie” và #WhyVietNam thông qua sức lan tỏa rộng rãi của mạng xã hội và tiếp thị trực tuyến để tăng cường quảng bá hình ảnh các điểm đến du lịch Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mới đây, Tổng cục Du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VTV triển khai Cổng thông tin du lịch thông minh – VTV travel (dulich.vtv.vn) nhằm cung cấp các nội dung, thông tin một cách toàn diện tới người dùng, đem đến những trải nghiệm du lịch thông minh trong thời đại công nghệ số 4.0, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam.


    Thời gian qua, nhiều điểm đến du lịch Việt Nam đã từng bước ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Điển hình như Hà Nội đã đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long trên điện thoại di động với những ngôn ngữ thông dụng không chỉ tạo thuận lợi cho hành trình tham quan tìm hiểu di tích của du khách mà còn trở thành một phương tiện quảng bá du lịch và giáo dục lịch sử hữu hiệu. Ra mắt trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ (www.hoankiem360.vn) giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và trải nghiệm du lịch quận Hoàn Kiếm thông qua công nghệ ảnh 360 độ. Cùng với đó, du lịch Thủ đô đã xây dựng bản đồ số về du lịch Hà Nội theo công nghệ GIS, xây dựng Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội, phủ wifi miễn phí ở nhiều địa điểm công cộng như khu vực hồ Hoàn Kiếm, sân bay quốc tế Nội Bài…

    Chủ động tận dụng cơ hội đến từ cuộc cách mạng công nghiệp, đầu năm 2018, Ninh Bình đã triển khai thực hiện hệ thống du lịch thông minh. Trong đó, giai đoạn đầu tập trung vào xây dựng cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động; số hoá dữ liệu ngành du lịch và kết nối cơ sở dữ liệu du lịch với các lĩnh vực của các sở, ban, ngành; xây dựng kho dữ liệu về du lịch; tiếp thị bằng tin nhắn SMS dựa trên vị trí địa lý của khách hàng; wifi công cộng miễn phí cho khách du lịch tại các điểm du lịch... Tháng 6/2018, Sở Du lịch Ninh Bình đã chính thức khai trương Cổng thông tin du lịch (visitninhbinh.vn) và Ứng  dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động với tên gọi là “Ninh Bình Tourism” nhằm tạo thuận lợi cho du khách tìm kiếm thông tin chính xác và cập nhật về du lịch Ninh Bình.


    Để không tụt hậu trong thời đại 4.0, các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam cũng đã đầu tư cho công nghệ và triển khai nhiều ứng dụng thông minh đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm kiếm và đặt dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn để du khách có thể chủ động lập kế hoạch phù hợp. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp du lịch có thể tận dụng ứng dụng công nghệ trở thành đòn bẩy phát triển doanh nghiệp. Thực tế, do năng lực cạnh tranh cũng như khả năng vốn hạn hẹp nên các doanh nghiệp phải ưu tiên dành nguồn lực để hoạt động và tồn tại trước bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn các startup có thể có những ý tưởng đổi mới sáng tạo nhưng lại gặp khó khăn về vốn. Đây cũng là một nút thắt cần được tháo gỡ để phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam.

    Có thể thấy các điểm đến trên thế giới tham gia sâu vào du lịch thông minh bắt đầu từ việc chuyển đổi số, số hóa dữ liệu. Mô hình du lịch thông minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới là nhờ vào hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ và chính quyền tạo môi trường thân thiện, chính sách thiết thực, thuận lợi cho phát triển du lịch thông minh. Cùng với đó, chỉ riêng nỗ lực của ngành du lịch là chưa đủ, mà để phát triển thành công du lịch thông minh không thể thiếu sự kết nối và tham gia của các bên liên quan như hàng không, hải quan, xuất nhập cảnh, thuế, thương mại…, của cả cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

    Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tập trung phát triển du lịch thông minh được xem là hướng đi phù hợp của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới. Cùng với đó, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng. Về tăng trưởng khách giai đoạn 2013 – 2017, khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ hơn 7,2 triệu lượt lên 12,9 triệu lượt; khách du lịch nội địa từ 35 triệu lượt tăng lên 73,2 triệu lượt. Những tín hiệu lạc quan này sẽ tạo đà cho giai đoạn phát triển mới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo: Tổng Cục Du Lịch

NEM BAP HEO THANH HOA
qc 2
zalo